NHỮNG LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG TỈNH AN GIANG
An Giang là tỉnh có nhiều dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng chung sống trên một vùng đất đa dạng sinh thái, vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi, nhiều sông rạch và cận biên giới Campuchia.
Không chỉ nổi tiếng với vùng Bảy núi tâm linh, nơi đây còn lưu giữ lại rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống mang đậm văn hóa của Miền Tây sông nước. Hiện tỉnh có 34 làng nghề trong đó có 25 làng nghề được công nhận. Đây là những tiềm năng để phát triển, thu hút khách du lịch. Hãy cũng tìm hiểu một số làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở An Giang.
Làng nghề dệt lụa Tân Châu
Từ thế kỷ XX, Tân Châu – An Giang đã nổi tiếng với nghề dệt lụa. Ở đây tơ lụa được dệt thủ công với kỹ thuật khéo léo, tinh xảo, bền đẹp. Hơn 1 thế kỷ qua, dẫu trải qua nhiều thăng trầm biến đổi nhưng tiếng máy dệt lách cách vẫn đều đặn vang lên hàng ngày – miệt mài tạo ra thứ lụa Lãnh Mỹ A trứ danh.
Lãnh Mỹ A nổi tiếng là một loại lụa hảo hạng đen huyền, được nhuộm bằng trái mặc nưa một cách kỳ công với hàng trăm lần nhúng – xả – phơi cùng những yêu cầu nghiêm ngặt về nước nhuộm, nhiệt độ hay độ mềm của mặt cỏ khi phơi. Thành phẩm trơn mềm, mát nhẹ, đông ấm, hè mát, càng mặc càng bóng.
Đã từng có lúc khách hàng mua và dùng Lãnh Mỹ A chủ yếu là giới thượng lưu, quyền quý; sản phẩm chỉ để mặc khi có lễ tết, cưới hỏi… Sau này Lãnh Mỹ A dần mất vị thế khi phải cạnh tranh với những loại vải ngoại nhập nhiều màu sắc, giá thành rẻ. Không thể khoanh tay đứng nhìn làng nghề lụi tàn theo năm tháng, cùng với việc đầu tư máy móc để sản xuất vải lụa đẹp, bền hơn, những người trẻ tại làng nghề tơ lụa Tân Châu đã tìm kiếm thêm màu sắc cho Lãnh Mỹ A đa dạng và bắt mắt hơn, chứ không chỉ độc nhất màu đen huyền của trái mặc nưa. Sau 3 năm rong ruổi học hỏi tìm cách nhuộm màu sắc mới từ các loại cây trái có trong tự nhiên ở các làng nghề dệt nổi tiếng trong và ngoài nước, anh Trí (con trai Út của nghệ nhân Tám Lăng) đã thành công cho ra lò mẻ lụa màu hổ phách đầu tiên, hiện thực hoá giấc mơ tìm màu cho tơ lụa Tân Châu. Sau đó, kem, xám ghi, vàng đồng, vàng chanh, đỏ và hồng cánh sen cũng được nhuộm thành công để đa dạng hơn sắc màu của tơ lụa Tân Châu và Lãnh Mỹ A.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng thế hệ con cháu trong làng nghề luôn cố gắng tiếp nối truyền thống cha ông để tạo ra sản phẩm tinh túy cho đời.
Làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà
Nằm nép mình bên dòng kênh Long Xuyên – Núi Sập, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà xuất hiện đã được 50 năm, được biết để rộng rãi từ miệt đồng đến miền biển, không chỉ ở An Giang mà còn khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho tới Campuchia, Malaysia...
Lưỡi câu của Mỹ Hòa nổi tiếng với chất lượng sắc bén, độ bền cao và nhiều kích cỡ đa dạng. Đặc biệt, nơi đây có khoảng 50 chủng loại, gồm lưỡi câu đúc, câu phược, câu kiều, câu phi, ngoài ra còn phải kể đến câu tôm, câu rắn, câu ếch… Các sản phẩm của làng nghề lưỡi câu Mỹ Hoà đáp ứng tốt nhu cầu đánh bắt cá khi ra đồng, trên sông và cả ngoài biển, giá thành lại rất hợp lý nên được nhiều người ưa chuộng, tin tưởng và lựa chọn.
Để làm ra thành phẩm một chiếc lưỡi câu hoàn chỉnh, quy trình sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn khá công phu, tuy không quá khó khăn nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn cao. Làng nghề hoạt động gần như hầu hết mọi thời gian trong năm nhưng vào mùa nước nổi thì số lượng nhân công làm việc thường lên đến con số hơn nghìn người. Mùa nước nổi đến với Mỹ Hòa đi đâu du khách cũng bắt gặp một không khí làm việc tất bật với tiếng máy chạy ro ro, tiếng búa gõ nện đều đặn hay tiếng nói cười rộn rã khắp đầu trên xóm dưới. Cả khi đêm đến, nhà nhà vẫn sáng đèn dường như không muốn bỏ dở công việc. Thực tế xóm “lưỡi câu” Mỹ Hòa thức hẳn cùng với mùa nước nổi…
Làng dệt thổ cẩm Châu Phong
Nghề dệt của người Chăm nói chung ra đời từ rất sớm và người Chăm ở xã Châu Phong, huyện Tân Châu, An Giang cũng không ngoại lệ, từ những năm đầu của thế kỷ XIX, hầu như trong nhà của người Chăm nào cũng có ít nhất một khung dệt và nghề dệt trở thành công việc mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết.
Các sản phẩm thổ cẩm ở đây đặc biệt có nét riêng vì sử dụng kỹ thuật nhuộm màu bằng các loại vỏ trái cây, mủ cây và cây. Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm có kỹ thuật rất đặc biệt. Khác với kiểu dệt Ikat – dệt xà rông, dệt thổ cẩm phải xen kẽ giữa go nền và go hoa văn. Để xỏ xong go cho một khung dệt, trung bình họ mất khoảng 3 ngày. Đặc biệt, khi dệt với nguyên liệu chỉ tơ, sợi khá mảnh và dễ đứt nên người Chăm không dùng sợi go lược kẽm mà thay bằng go lược chỉ sẽ giúp cho sợi chỉ khít hơn, khi dệt sản phẩm sẽ khắc mặt, mịn hơn.
Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm thường xuất hiện trong đời sống hằng ngày của con người nơi đây như trang phục của người phụ nữ với váy, áo, khăn đội đầu; xà rông của nam giới… với màu sắc, hoa văn, họa tiết khác nhau như: sóng nước, vân mây, ô vuông, kẻ sọc, lồng đèn, bông dâu… Đôi khi, họ cũng tiếp thu những kiểu hoa văn mới lạ, đẹp mắt từ nơi khác và kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để làm cho sản phẩm thêm phần sinh động và mới mẻ hơn. Tuy nhiên yếu tố truyền thống vẫn là dòng chảy xuyên suốt trong các sản phẩm. Chính vì vậy, những sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân Châu Phong mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, vừa có sự mềm mại, duyên dáng, lại vừa thể hiện sự tinh xảo từ cách phối màu, lên bố cục đến đến kỹ thuật dệt, tạo hình hoa văn…
Đến với làng dệt cổ Châu Phong, ngắm nhìn những cô thôn nữ duyên dáng trong những bộ trang phục truyền thống đang ngồi quay tơ, dệt thổ cẩm, trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ như mùa xuân, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được không gian thân thiện, bình dị và cuộc sống gần gũi và đáng yêu của những con người nơi đây.
Làng nghề gạch ngói
Tại Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang hiện có hơn 60 lò gạch đang hoạt động, hàng năm sản xuất một lượng lớn gạch ngói để phục vụ thị trường.
Thông thường vào mùa nước nổi nhiều khu vực đất gò cao, chủ đất cho lấy xuống một lớp 40 – 50 cm, chủ lò mua lớp đất này làm nguyên liệu, cho vào máy cắt nén thành viên, chất vào lò nung khoảng 15 – 17 ngày là xong một mẻ gạch.
Đi trên tuyến đường Quốc Lộ 1, từ Long Xuyên đi Châu Đốc, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy ven đường chất đủ loại gạch thẻ, gạch ống, ngói lợp nhà và những nóc gạch nhô lên khỏi nhà dân, đó chính xã Bình Mỹ - nơi mà nghề thủ công làm gạch ngói đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương.
Làng nghề se nhang Bình Đức
Làng nghề nhang Bình Đức (Long Xuyên, An Giang) hình thành vào năm 1940 từ một nhóm di dân về vùng này.
Sản phẩm rất phong phú với nhiều chủng loại như: nhang se, nhang sóc, nhang trần, nhang thơm, nhang nêu,… với nhiều kích cỡ khác nhau. Mùi hương của từng loại cũng không giống nhau nhưng điểm chung chính là dịu nhẹ, thanh tao và tạo cảm giác bình yên cho người ngửi thấy.
Mùa sản xuất nhộn nhịp nhất là trước khi vào các đợt lễ hội, tết Nguyên Đán. Đến làng nghề nhang Bình Đức vào các mùa sản xuất tập trung, sản phẩm được phơi giăng ngập từ góc sân đến lề đường. Nhờ vào đôi tay tài hoa của người lao động mà việc phơi nhang cũng trở thành nghệ thuật, nếu bạn nhìn từ trên cao làng nghề nơi đây giống như một rừng hoa “tiểu thủ công nghiệp” lúc nào cũng ngát thơm. Men theo con đường làng là âm thanh quen thuộc của những chiếc máy se nhang rồi trước sân mỗi nhà luôn tràn ngập sắc màu của hàng trăm hàng ngàn cây nhang, từ đỏ, đen cho đến vàng lan tỏa một mùi hương đặc trưng.
Hơn 100 năm hình thành và phát triển, chất lượng sản phẩm nhang Bình Đức không thua kém các sản phẩm cùng loại. Mặt hàng nhang nơi đây được tiêu thụ mạnh ở thị trường ĐBSCL như: Hậu Giang, TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng…thậm chí là Campuchia.
Làng nghề mộc Chợ Thủ
“Long Điền – Chợ Thủ quê anh
Trai chuyên làm tủ, gái sành cưỡi canh”
Được mệnh danh là Đệ nhất nghề mộc và điêu khắc gỗ vùng Tây Nam Bộ, làng nghề mộc Chợ Thủ tại xã Long Điền A, Chợ Mới đã tồn tại hơn 200 năm với những sản phẩm gỗ chạm khắc nổi tiếng với chất lượng và mẫu mã tinh tế cả trong và ngoài nước. Đến đây ta sẽ dễ dàng bắt gặp những của hàng đồ gỗ kéo dài hơn 4km dọc theo tỉnh lộ 942.
Mỗi sản phẩm của làng nghề mộc Chợ Thủ đều có giá trị nghệ thuật cao như: tủ thờ; tủ quần áo; bàn ghế; kệ; giường cho đến các loại ban công, cầu thang, bao lam, phù điêu… nhờ bàn tay của các nghệ nhân. Để cho ra đời một sản phẩm, người làm mộc Chợ Thủ phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Họ thổi hồn vào những tấm gỗ nét văn hóa truyền thống Việt Nam, những hình ảnh ý nghĩa từ cuộc sống miền tây sông nước, hoặc điển tích điển cố sâu sắc một cách công phu và cẩn thận. Nhờ đó, mộc Chợ Thủ ngày càng nổi tiếng và khẳng định được vị thế của mình.
Làng nghề đường thốt nốt An Phú
Khi mùa mưa kết thúc, thời tiết chuyển sang khô cũng là thời điểm đồng bào Khmer tại đây lại tất bật chuẩn bị dụng cụ, sẵn sàng cho mùa nấu đường thốt nốt mới… Những hộ gia đình làm nghề nấu đường thường ở những nơi sâu trong sóc, trong thum, đó là những ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa một vườn thốt nốt. Thông thường mỗi gia đình như vậy sẽ sở hữu khoảng 10 cây thốt nốt trở lên. Đường thốt nốt nấu bằng nước tiết ra từ những vết cắt ở bông cây thốt nốt, chứ không phải từ nước trong trái thốt nốt. Người nông dân sẽ dùng thang tre để leo lên ngọn cây. Khi lên đến ngọn cây, người ta cắt phần ngọn những cuống hoa, sau đó dùng can nhựa hứng nước. Trước đây, thường dùng ống tre gai, ống to, giao lóng để hứng nước thốt nốt, nhưng ngày nay không còn dùng ống tre nữa, mà thay vào đó là thùng nhựa loại nhỏ để nhẹ công mang lên cây. Nếu cây cho nước tốt thì mẻ đường sẽ thơm ngon, dễ đánh, màu sắc đẹp, có thể dùng để đổ đường tán (đường cục). Nếu ít nước hoặc nước không trong thì chỉ dùng để nấu đường chảy. Khi hứng được nước rồi thì phải bắt tay vào nấu đường ngay, nếu để lâu quá một ngày sẽ có mùi chua làm giảm chất lượng đường. Sau khi nước thốt nốt được lọc trong hết tạp chất rồi thì được nấu cho đến khi sệt lại, để nguội rồi đổ vào khuôn là hoàn thành. Quá trình nguội dần của đường trong tự nhiên cũng là lúc mà chúng kết tinh lại thành những tinh thể mịn. Bình quân khoảng 8 - 10 lít nước thốt nốt sẽ thu về 1kg đường. Tại những lò nấu đường truyền thống, ngoài nước thốt nốt ra hầu như không sử dụng thêm bất kỳ một loại chất phụ gia nào cả.
Đường thốt nốt thơm dịu, ngọt thanh được gói trong những chiếc lá thốt nốt trông như những đòn bánh tét đẹp mắt. Nghề nấu đường thốt nốt là nghề truyền thống của đồng bào Khmer An Giang được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Đường thốt nốt là đặc sản của địa phương, đối với đồng bào Khmer đó là món quà quý của trời đất. Nhiều gia đình theo nghề nấu đường từ đời nọ qua đời kia.
Làng nghề đan lát Mỹ An
Làng nghề đan đát xã Mỹ An, huyện Chợ Mới (An Giang) là 1 trong số làng nghề đan lát trong tỉnh hình thành lâu dài nhất. Tuy đã gần 100 năm nhưng làng nghề này vẫn duy trì hoạt động liên tục, trụ vững trên thị trường.
Những sản phẩm của làng nghề đan đát Mỹ An nổi tiếng bởi độ bền từ chất lượng đến sự tinh xảo của vẻ ngoài. Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng với hàng chục chủng loại như thúng, nia, sọt, bội, rổ, rế… với nhiều kích cỡ được làm rất công phu qua nhiều công đoạn chẻ tre, chẻ vót, che 3 vành, làm nang, đương mê, vành, óp….qua bàn tay khéo léo của người lao động đã tạo ra sản phẩm bóng, đẹp, bền…. Lý do mà các mặt hàng của làng nghề đan đát Mỹ An vẫn được nhiều người ưa chuộng là vì tính năng chịu được sức nặng của lượng lớn lúa, gạo mà mặt hàng nhựa không thể cạnh tranh được.
Làng nghề vẽ tranh kiếng chợ Bà Vệ
Tranh kiếng nghĩa là vẽ trên tấm kính thành bức tranh với đủ màu sắc, thể loại như tranh núi non, rồng phụng hoặc cảnh làng quê, tranh thờ tiên, đức Phật... đem treo trang trọng trong nhà. Thoạt nhìn vẻ ngoài, bạn chỉ thấy bức tranh giúp ngôi nhà thêm phần thẩm mỹ, nhưng đâu biết được phía sau đó còn mang ý nghĩa về tôn giáo. Thường trong những ngôi nhà bề thế sẽ không thể nào thiếu đi một bức tranh kiếng, vì như vậy sẽ làm nơi này không toát lên được sự trang nghiêm, đầm ấm. Ngoài ra, làng nghề tranh kiếng Bà Vệ còn được xem là nét đẹp dân gian đặc trưng màu sắc của văn hóa truyền thống Nam Bộ.
Làng nghề tranh kiếng Bà Vệ có từ rất xa xưa khoảng đầu những năm 1950. Nhưng thời kỳ hoàng kim và hưng thịnh nhất có lẽ trong những năm 1990 khi có đến hàng ngàn hộ làm nghề trong Chợ Mới.
Thuở ấy, chợ Bà Vệ nằm trên cù lao Ông Chưởng (H.Chợ Mới, An Giang) lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh nhà nhà làm, mua bán tranh kiếng. Dọc theo các ấp Long Thuận, Long Tân của xã Long Điền B lúc nào cũng tất bật bóng thợ tách, thợ sơn tranh. Dưới con kinh, ghe xuồng nổ máy tành tạch chờ lấy tranh đi phân phối ở các vùng nông thôn khắp nước.
Nghề làm tranh kiếng đòi hỏi thợ tách (là thợ chính) tay nghề phải khéo và trí tưởng tượng phong phú mới cho ra nhiều dòng tranh đặc sắc. Thợ tách được trả công cao, bởi vẽ tranh kiếng phải từ phía sau mặt kính nên chi tiết nào vẽ sau phải vẽ trước. Vẽ xong, thợ lật tấm kính lại và các hình vẽ thành mặt chính của tranh. Còn thợ sơn công việc đơn giản hơn, chỉ ngồi tô vẽ các hình ảnh đã được vẽ lên tranh.
Tuy nhiên, hiện số người làm tranh thủ công chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay và nguy cơ nghề này thất truyền là không tránh khỏi.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh
Làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh ra đời vào năm 1952, tính đến nay cũng đã có tuổi đời gần 70 năm.
Các sản phẩm ở làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh có độ dẻo vừa đủ, cuốn gỏi sẽ không bị rách hoặc dùng để gói chả giò cũng giòn hơn. Bánh tráng nổi tiếng của vùng Long Xuyên - An Giang chỉ có 2 loại nhưng có thể sử dụng để chế biến nhiều món. Loại bánh tráng mặn thường được sử dụng cho các món ăn hàng ngày như cuốn với bì, tôm, thịt hoặc làm chả giò chiên thơm ngon, giòn rụm. Nổi tiếng nhất là loại bánh tráng ngọt có thêm nước cốt dừa béo ngậy và đầy ắp mè rang vàng ươm, tạo nên những chiếc bánh dẻo thơm.
Dù chỉ có vỏn vẹn 2 sản phẩm nhưng nhờ có các bàn tay khéo léo và tấm lòng yêu nghề của nhiều hộ gia đình nơi đây, những chiếc bánh tráng Mỹ Khánh mỏng đẹp, dai mềm và thơm ngon đã được ra đời. Để làm thành công những chiếc bánh chất lượng, bắt mắt như thế này thì đòi hỏi người thợ phải có công thức pha chế ngon, bí quyết chọn bột chất lượng và tay nghề cứng, thao tác nhanh nhẹn để tráng bánh thật mỏng, tròn đều và nguyên vẹn.
Hiện tại, làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh đã mất đi một phần nhộn nhịp khi xưa bởi vì các sản phẩm của đa số hộ dân đều làm bằng thủ công nên không thể cạnh tranh lâu dài với các làng nghề quy mô khác như bánh tráng Tây Ninh.
Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ
Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ từ khi lập nên đến nay đã ngót nghét 100 năm. Theo các cụ lớn tuổi, từ khi người dân biết trồng nếp thì cũng là lúc làng bánh phồng ra đời.
Chỉ cần bước tới cổng làng nghề bánh phồng Phú Mỹ là bạn đã có thể cảm nhận được hương thơm đặc trưng của nơi này thoang thoảng trong gió. Mùi hương ngọt ngào của bánh phồng Phú Mỹ không chỉ hấp dẫn mà còn tạo cho bạn một cảm giác vô cùng dễ chịu.
Quá trình làm ra bánh phồng Phú Mỹ ngày xưa khá công phu và cầu kỳ. Từ khâu chọn nếp, sơ chế… cho đến giã nếp, cán rồi phơi bánh, tất cả hoàn toàn được làm thủ công. Từ giữa khuya, các hộ làm bánh phồng đều đã sáng đèn, bắt đầu ngâm rút nếp để đem nấu. Rồi cứ thế cho đến khi ngày tàn, từng công đoạn làm bánh cứ nối tiếp nhau cho đến khi ra được thành phẩm đẹp mắt và ngon miệng.
Bánh phồng Phú Mỹ cũng vô cùng đa dạng, trong số đó, hai loại nhận được nhiều lời khen nhất là bánh phồng sữa và mè. Bánh nướng lên lại phồng to hơn cái quạt nan, mềm, xốp, thơm lừng mùi sữa đặc trưng và mang vị béo ngọt của nếp và đường. Bánh phồng Phú Mỹ được đánh giá là có hương vị đặc trưng vì được chế biến từ nguồn nếp Phú Tân do địa phương sản xuất. Nhờ nguồn nguyên liệu nếp đặc sản riêng biệt nên bánh phồng Phú Mỹ có hương vị độc đáo, độ thơm, béo, ngọt đều khác hẳn bánh phồng ở nơi khác. Chính vì thế mà danh tiếng của làng nghề bánh phồng Phú Mỹ theo thời gian không những chẳng bị mai một mà còn ngày càng vang xa.
LỊCH KHỞI HÀNH TOUR MIỀN TÂY TỪ HỒ CHÍ MINH
|
||||
Chương trình |
Khởi hành |
Lưu trú |
Giá |
Xem |
Hàng ngày |
3 sao |
1.550.000 |
||
Thứ 4, 7 |
3 sao |
2.750.000 |
||
Thứ 3,6 |
3 sao |
2.750.000 |
||
Thứ 5 |
3 sao |
3.850.000 |
||
Thứ 7 |
3 sao |
1.888.000 |
||
Thứ 7 |
2 sao |
1.686.000 |
||
Thứ 7, CN |
N/A |
590.000 |
||
Hàng ngày |
N/A |
460.000 |
||
Để được tư vấn và tham khảo chương trình quý khách vui lòng liên hệ: ⇒Văn phòng: 028.6660.16166 – Hotline: 0962.111.247 Du Lịch Hoàng Khởi kính chúc Quý khách và gia đình có một năm “Tài lộc - An khang - Thịnh vượng - Vạn sự như ý”. Chúc mừng năm mới 2024! |
Bài viết liên quan
- TẠI SAO DOANH NGHIỆP CẦN TỔ CHỨC TEAMBUILDING?
- Bảng giá vé tham quan các địa điểm du lịch Việt Năm 2024 [MỚI NHẤT]
- ≡ Đặc sản miền Tây có gì?
- Gợi ý tổ chức team building đơn giản
- #Sự khác biệt giữa Công Ty Du Lịch Hoang Khoi Travel và những công ty du lịch khác?
- Giữ gìn sức khỏe tốt khi đi tour du lịch
- Những địa điểm du lịch miền Tây sông nước miệt vườn
- Thời gian lý tưởng nhất đi tour du lịch miền Tây
- Du Lịch Miền Tây Nam Bộ - Top 12 địa điểm nổi tiếng nhất ở Sóc Trăng
- #Top 10 đặc sản Cần Thơ
- Những điều cần biết khi đi du lịch Mỹ Tho
- Tour Du Lịch Miền Tây dịp lễ 2-9